GARDEN GROVE, California (NV) – Nhiều đồng hương đến dự buổi ra mắt sách “Thuyền Nhân Việt Nam Thời Hiện Đại – Vươn Tới Tự Do” của tác giả Shira Sebban tại Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM), Garden Grove, trưa Thứ Bảy, 17 Tháng Năm.
Tác giả Shira Sebban, một chuyên gia về di trú và người tị nạn, cũng là nhà văn đang sống tại Sydney, Úc. Vào Tháng Sáu, 2022, bà được trao tặng Huân Chương Úc (OAM), do những đóng góp đáng kể cho cộng đồng người Do Thái. Bà cũng là thành viên tích cực của nhóm cộng đồng Hỗ Trợ Người Tị Nạn Sydney (SASS), đồng thời bà là hướng dẫn viên tại Bảo Tàng Viện Do Thái, Sydney.
MC Nam Lộc nói về nội dung sách: “Cuốn sách này ghi lại hành trình của những tấm lòng nhân ái. Họ đã cùng nhau hỗ trợ nhóm người tị nạn Việt Nam trên con đường tìm kiếm tự do. Vào năm 2016, một tờ báo đã đăng tải câu chuyện thương đau về bốn đứa trẻ sắp phải vào trại trẻ mồ côi, sau khi cha mẹ chúng bị kết án vì tìm cách rời khỏi Việt Nam.”
“Gia đình này trong số 46 người tị nạn, vượt biên bằng thuyền và được vào hải phận Úc. Nhưng không may, đoàn vượt biển này bị Hải Quân Úc chặn lại và đưa những thuyền nhân này về Việt Nam. Dù có lời hứa từ chính phủ Việt Nam rằng, họ sẽ không bị trừng phạt, nhưng cuối cùng họ vẫn bị nhà nước Việt Nam giam cầm. Câu chuyện này đã chạm đến trái tim nhân ái của nhiều người trên thế giới,” ông Nam Lộc cho biết thêm.

Trong sách, nổi bật nhất là lòng dũng cảm phi thường của những người bình dị, những câu chuyện về quyền con người, tình đoàn kết cộng đồng, và sự đoàn tụ gia đình. Cuối cùng là sự tái định cư tại Canada. Cốt truyện thương tâm này đã vẽ lên bức tranh sống động về cuộc đấu tranh, vì sự tự do của các gia đình người Việt trong Thế Kỷ 21.
Họa sĩ Châu Thụy, giám đốc VHM, cho biết: “Tác phẩm của bà Shira Sebban nhắc chúng ta rằng, câu chuyện của thuyền nhân Việt Nam không kết thúc vào những năm 1980 hay 1990. Nó vẫn còn tiếp diễn trong những trại giam giữ, trên những bến bờ xa lạ, và trong tâm hồn của những con người vẫn còn mang nặng những vết thương bắt buộc phải tha hương. Cuốn sách này buộc chúng ta phải nhìn lại, và nhìn thật rõ.”

Ông nói thêm: “Là một người sáng lập viện bảo tàng này và cũng là một nhân chứng sống, tôi tin rằng, ký ức không chỉ lưu giữ mà còn để đánh thức. ‘Thuyền Nhân Việt Nam Thời Hiện Đại – Vươn Tới Tự Do’ không chỉ là một cuốn sách, nó là lời kêu gọi khẩn thiết. Kêu gọi chúng ta nhận ra nhân phẩm trong mỗi con người. Kêu gọi chúng ta mở lòng. Và biết đâu ngày mai, những thuyền nhân vẫn tiếp tục ra đi từ khắp nơi trên trái đất này, những người tị nạn cộng sản vẫn đang còn sống trong tình trạng bất hợp pháp ngay tại quốc gia tự do, và họ luôn mong chờ hành động mở lòng nhân ái của quý vị.”
Trong lời tri ân những người đã hỗ trợ tác giả thực hiện quyển sách này, tác giả kể lại: “Tôi sẽ không bao giờ bắt tay vào viết cuốn sách này, nếu không có sự khuyến khích của của cô Nguyễn Ngọc Nhi (Ann), một nhà hoạt động nhân quyền (nay đã qua đời). Cô là người thuyết phục và muốn tôi chia sẻ câu chuyện của mình về người tị nạn. Cô nói rằng: ‘Rất ít câu chuyện về thuyền nhân Việt Nam cận đại có cơ hội được nghe và đọc bằng Anh Ngữ. Sau tất cả những chuyện đã xảy ra, tôi nghĩ chị có thể viết được một cuốn sách, và có thể được dựng thành phim.’”

Bà kể thêm: “Chúng tôi gặp nhau trực tuyến vào Tháng Bảy, 2016. Lúc đó, Nhi tình nguyện giúp tôi phiên dịch từ đầu, mỗi khi tôi tiếp xúc với Luật Sư Võ An Đôn qua Facebook. Rồi từ đó, tình bạn của chúng tôi càng ngày càng thắm thiết. Qua sự tận tụy làm việc của chúng tôi đối với các gia đình người tị nạn, tôi lại có thêm một người bạn nữa, đó là cô Grace Bùi. Ba người chúng tôi hợp tính nhau, và như có thêm sức mạnh, nên chúng tôi cùng làm việc không bao giờ mệt mỏi. Nhi luôn nói rằng: ‘Thế giới sẽ không quên họ, đó là những gia đình tị nạn khi chúng ta vẫn còn đây.’ Grace và tôi nhớ Nhi rất nhiều, và tôi tin rằng, ở trên ấy, Nhi sẽ rất vui khi biết Grace và tôi đã hoàn thành công việc mà ba chúng tôi đã cùng nhau khởi xướng.”
Tác giả cũng không quên cám ơn những ân nhân khác, như bà Phạm Mai Hoa, người giúp tác giả sản xuất sách này; Ông Trí Phan và ông Hồ Trọng Hiệp, những người đảm nhận phần chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt; Ông Đoàn Việt Trung, cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu, cũng là cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị VOICE, và nhiều người khác.

Bà Nguyễn Phương Lê, thành viên ban tổ chức, nói: “Cuốn sách này nhắc nhở chúng ta là những người bỏ nước ra đi, và đã được đến những bến bờ tự do trên thế giới, nên chúng ta phải cảm ơn những quốc gia đã cưu mang người Việt tị nạn. Và sách này cho thế giới biết rằng, chúng ta ly hương không phải vì kinh tế, mà là vì hai chữ tự do.”
Chương trình còn bao gồm văn nghệ đơn giản với tiếng hát của nhạc sĩ Nam Lộc và những ca khúc ông soạn cho người tị nạn, và tiếng đàn guitar của Luật Sư Trịnh Hội vừa đàn vừa hát nhạc Phan Văn Hưng. [đ.d.]