Từ thông điệp quen thuộc: Câu nói “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.” trong bài viết gần đây không phải lần đầu tiên một thông điệp về đoàn kết dân tộc được đưa ra. Ông Hồ Chí Minh từng nhiều lần kêu gọi sự thống nhất, và câu nói này đã trở thành một biểu tượng quen thuộc. Thế nhưng Đoàn kết và thống nhất là gì? Liệu lời nói có thể biến thành hiện thực, hay chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng?

Thống nhất đất nước, là thống nhất lòng người, không phải thống trị quyền lực.

Năm 2025 đánh dấu 50 năm Việt Nam thống nhất đất nước, nhưng sự thống nhất về lãnh thổ dường như chưa đi đôi với sự đồng lòng của người dân. Thay vì hòa hợp, xã hội ngày càng chứng kiến sự bất mãn, chia rẽ và mất niềm tin vào công lý. Những vụ việc như người dân nổ súng vì bất mãn với hệ thống tư pháp, hay các cuộc biểu tình lớn về môi trường và đất đai, là minh chứng rõ ràng cho sự rạn nứt trong lòng dân.

Từ Vụ Đồng Tâm (2020): Cụ Lê Đình Kình, một người dân khiếu kiện về đất đai, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng chức năng. Vụ việc không chỉ làm dấy lên tranh cãi về công lý mà còn phơi bày sự thiếu minh bạch trong giải quyết tranh chấp. Cho tới vụ việc đau lòng xảy ra ngay mới đây khi một người cha đi tìm công lý cho đứa con gái của mình, nổ súng và tự sát. Minh chứng cho thấy người dân đã hoàn toàn mất niềm tin và công lý, vào sự cầm cân nảy mực của hệ thống pháp quyền.

Ngôn ngữ chia rẽ từ trong giáo dục tới đời sống online: 50 năm sau chiến tranh, các thế hệ trẻ vẫn được dạy những từ ngữ như “ba que”, “khát nước”, hay “thế lực thù địch”, “phản động” trong sách giáo khoa và tuyên truyền. Những từ này không chỉ duy trì sự phân hóa mà còn cản trở nỗ lực hòa giải dân tộc.

Đàn áp tiếng nói trái chiều: Từ lúc ông Tô Lâm làm bộ trưởng bộ công an, tới khi ông lên nắm quyền, những tiếng nói trái chiều ngày càng bị đàn áp khốc liệt hơn, danh sách tù nhân bị bắt giữ vì lên tiếng ôn hòa trên mạng ngày càng dài, từ Nguyễn Lân Thắng, Phạm Đoan Trang, Bùi Văn Thuận.., tới những tiếng nói vô danh không ai biết, lực lượng công an bắt người để lấy thành tích, để triệt tiêu hoàn toàn tiếng nói đối lập rồi để đảng cộng sản tự mình đứng ra hô hào thống nhất. Đó không phải là thống nhất, đó là thống trị quyền lực.

Đoàn kết để bảo vệ đảng hay phát triển, bảo vệ quốc gia?

Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi đoàn kết quân dân, nhưng thực tế, thông điệp này dường như tập trung vào việc bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng sản và lợi ích của một nhóm nhỏ, thay vì hướng tới mục tiêu chung là sự thịnh vượng của toàn dân. Điều 4 Hiến pháp Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng trong các thông điệp chính trị, “Đảng” luôn được đặt trước “nhân dân”. Quyền lợi của người dân không được ưu tiên trong các quyết định lớn, như chính sách quan hệ quốc tế hay các vấn đề thương mại với Mỹ và Trung Quốc.

Các quyết định quan trọng, từ bổ nhiệm nhân sự cấp cao đến các hiệp định thương mại, thường được thực hiện mà không có sự tham gia hay ý kiến của người dân. Những quan chức hàng đầu luôn trong sạch, được “tín nhiệm cao”, được “nhất trí với đa số phiếu bầu” cho tới khi ngã ngựa. Người dân hoàn toàn đứng ngoài cơ cấu quyền lực.

Tham nhũng và lợi ích nhóm: Các vụ án lớn như Việt Á hay Vạn Thịnh Phát cho thấy sự lạm dụng quyền lực của một số cá nhân và nhóm lợi ích, trong khi người dân phải gánh chịu hậu quả. Thông điệp đoàn kết của ông Tô Lâm, vì vậy, chỉ là một cách để củng cố quyền lực của Đảng, thay vì xây dựng một quốc gia đoàn kết thực sự.

Đoàn kết thật sự: Cần sòng phẳng với nhân dân

Đoàn kết không phải là sự áp đặt từ trên xuống, mà là sự đồng lòng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Đảng cộng sản cần dũng cảm lắng nghe người dân, từ các kiến nghị về chính sách đến các tiếng nói phản biện. Sự giám sát và tiếng nói của người dân là chất xúc tác, là động lực cho một xã hội công bằng, minh bạch, và từ sự minh bạch mới dẫn tới sự đồng lòng, đoàn kết quốc gia.

Đoàn kết quốc gia không phải là cùng đứng sau lưng một đảng phái, một tổ chức chính trị và hậu thuẫn nhau làm những chuyện mờ ám, sai trái nhân danh sự phát triển hay quyền lợi. Đoàn kết là cùng nhau tuân thủ luật chơi, ở đây là pháp luật, một cách sòng phẳng, minh bạch. Chỉ bằng cách chiến thắng trong một cuộc bầu cử thực sự, nơi các đảng phái và cá nhân có thể cạnh tranh công bằng, đó mới là cách để đảng cộng sản chứng minh sự tự tin và giành được sự ủng hộ của người dân, từ đó chính danh kêu gọi người dân đoàn kết sau lưng mình, ủng hộ mọi sách lược của mình.

Từ lời nói đến hành động

Thông điệp “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” của ông Tô Lâm là một lời kêu gọi dù không mới, nhưng để biến nó thành thực chất hành động, nó cần bắt đầu từ những bước đi đơn giản. Thả hết tù chính trị, cải cách pháp luật, hay khuyến khích phản biện là khởi đầu cần thiết. Hòa giải thực sự bắt đầu từ tư tưởng: dám nhìn nhận sai lầm, dám đối diện với sự thật, và dám thay đổi vì lợi ích của toàn dân. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể trở thành một quốc gia thống nhất không chỉ trên bản đồ, mà còn trong trái tim của mỗi người dân.

Hòa hợp hòa giải không thể đạt được chỉ bằng lời nói. Muốn thực sự thống nhất lòng người, nhà cầm quyền cần hành động cụ thể, dù nhỏ.

The Hopeful Road
user

Would you like to share your thoughts?

Your email address will not be published. Required fields are marked *